Việc có một chiếc laptop mới để phục vụ cho nhu cầu học tập và làm việc của mình quả thật là một trong những điều gây háo hức nhất với đa số mọi người. Nhất là khi chiếc máy mới này có bộ nhớ lớn hơn này, có ram cao hơn này, có chipset đời mới này. Đồng nghĩa với việc máy sẽ chạy mượt mà hơn rất nhiều phải không? Tuy nhiên bạn đã biết sau khi có laptop mới thì những điều đầu tiên bạn cần làm là gì chưa?
Với những việc cần làm này sẽ giúp cho laptop mới của bạn trong quá trình sử dụng sẽ tối ưu hơn rất nhiều. Đồng thời sẽ giúp cho công việc của bạn thuận lợi hơn nữa. Với những kinh nghiệm sẵn có, bài viết sau của chúng tôi sẽ cho các bạn biết những điều đầu tiên cần làm sau khi mua laptop mới nhé.
Đăng nhập tài khoản Microsoft Account
Đối với trường hợp mới mua laptop về. Còn nguyên seal, bạn cần phải thực hiện một số bước thiết lập cần thiết như: chọn ngôn ngữ, tạo (hoặc đăng nhập) tài khoản Microsoft, thiết lập đồng bộ,….
Lưu ý:
Trong lần thiết lập đầu tiên, bạn nên đăng nhập tài khoản Microsoft. Thay vì phải dùng tài khoản nội trú (local) thông thường. Đồng thời nên để máy kết nối wifi để thuận tiện cho việc thiết lập. Nếu ngay từ đầu, bạn đăng nhập vào tài khoản Microsoft, thì việc làm này sẽ giúp bạn sử dụng dễ dàng và liên kết với nhiều dịch vụ khác của Microsoft sau này. Hơn thế nữa, khả năng bảo mật được đánh giá cao hơn so với loại tài khoản nội trú. Thậm chí nếu máy tính của bạn có chức năng nhận diện khuôn mặt hoặc bảo mật bằng vân tay. Thì việc đăng nhập vào các trang web dịch vụ khác cũng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ví dụ: Bạn muốn trải nghiệm Windows 10 trên laptop, thì Microsoft yêu cầu bạn phải đăng nhập tài khoản trực tuyến. Khác so với việc khi bạn cài Window 7 hồi xưa.
Cập nhật Windows trước khi dùng
Sau khi đăng nhập vào tài khoản Microsoft. Bạn cần kiểm tra phần mềm Windows để cập nhật lên phiên bản mới nhất (phù hợp với máy). Vì trong giai đoạn này, bạn vẫn chưa cài đặt thêm các phần mềm sử dụng khác. Nên máy tính sẽ tránh được tình trạng phát sinh lỗi. Ngoài ra, thời gian cập nhật phần mềm sẽ diễn ra nhanh hơn. Nói chung mọi thứ đang ở trong tình trạng tối ưu nhất. Việc cập nhật Windows sẽ không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng máy tính hiện tại của bạn.
Ví dụ: Bạn mới mua chiếc laptop Lenovo và được cài sẵn Windows 10. Nhưng bạn không thể chắc rằng đó là phiên bản mới nhất. Trường hợp giả thiết nó đang chạy bản 1903 – là phiên bản khá mới trong thời điểm hiện tại. Khi bạn cài trình duyệt Microsoft Edge vào, thì phần mềm lại yêu cầu bạn nên cập nhật phiển bản lên 1909. Cách cập nhật Windows vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần vào Settings (cài đặt) -> Update & Security (cập nhật & bảo mật) -> Check for update (kiểm tra tình trạng cập nhật), và rồi để hệ thống tự xử lý bạn nhé!.
Kiểm tra trình điều khiển (driver)
Khi bạn mua laptop mới, hầu hết sẽ được cài sẵn Windows và trình điều khiển (driver) của nhà sản xuất. Thế nhưng, cũng có trường hợp máy tính bị thiếu trình điều khiển, làm cho một số tính năng của máy không hoạt động (thậm chí là bị lỗi). Lúc này, bạn cần vào Devices Manager (quản lý thiết bị) để tiến hành kiểm tra. Nếu có xuất hiện dấu chấm than, nghĩa là trình điều khiển bị thiếu. Bạn nên vào trang hỗ trợ của nhà sản xuất, tìm và tải đúng driver của máy.
Tạo sao lưu hệ thống ở System restore
Sau khi thực hiện 3 điều trên, bạn cần thực hiện bước tiếp theo là tạo bản sao lưu hệ thống ở System restore càng sớm càng tốt. Vì lúc này, máy tính của bạn chỉ mới được cài đặt và cập nhật phiên bản mới nhất của Windows, đang trong tình trạng hoạt động tốt. Nếu máy tính có bị lỗi trong quá trình cài đặt phần mềm khác, thì bạn có thể quay về trạng thái tốt nhất của máy (là vừa mới cập nhật phiên bản Windows mới nhất). Để tiến hành tạo bản sao lưu, bạn vào Control Panel -> System Restore -> mở mục System Protection và chọn ổ đĩa chứa Windows cần bảo vệ (như ổ đĩa C chẳng hạn).
Xóa phần mềm rác (bloatware)
Đi kèm theo máy mới và phần mềm Window là những phần mềm rác chứa nhiều thông tin quảng cáo về đủ loại game. Ai khi thiết lập máy tính cũng đều phải tốn thời gian xóa bớt những phần mềm không cần thiết này. Để giải phóng bớt dung lượng bộ nhớ.
Lưu ý:
Khi bạn xóa phần mềm rác, hãy chịu khó mày mò (nếu như có thời gian) để tìm xem các hãng laptop có tặng kèm những phần mềm riêng độc đáo cho máy bạn không nhé! Chẳng hạn, tặng kèm dung lượng miễn phí 1 năm cho Dropbox; phần mềm diệt virus,…. Ngoài việc xóa bớt các phần mềm rác. Thì tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người mà bắt đầu tiến hành các phần mềm cơ bản cần thiết trên máy tính như: trình duyệt Google Chrome; chế độ gõ tiếng Việt Unikey, Messenger, bộ Office,….
Cài đặt phần mềm diệt virus
Thời buổi công nghệ hiện nay, các thiết bị điện tử máy tính phải đối diện với rất nhiều mối đe dọa hệ thống như phần mềm độc hại; phần mềm gián điệp hoặc mã độc tống tiền (ransomware). Do đó, laptop cần phải có phần mềm diệt virus mạnh mẽ. Mặc dù Windows có đi kèm với phần mềm bảo vệ windows defender đã được cài đặt sẵn. Nhưng bạn vẫn nên cài đặt thêm phần mềm chống vi-rút của bên thứ ba. Vì nó có nhiều tính năng bảo vệ bổ sung như bảo vệ máy xuyên suốt. Bảo vệ tránh ransomware, phần mềm gián điệp và nhiều tính năng hơn thế nữa.
Cài đặt nguồn và chế độ ngủ
Đây là cài đặt hữu ích giúp bạn kiểm soát năng lượng tiêu thụ của máy tính. Bạn có thể tiến hành cài đặt nguồn và chế độ ngủ laptop như sau:
- Power button (nút nguồn): giúp bạn xác định những gì xảy ra đối với máy tính khi bạn nhấn nút nguồn. Các chế độ cài đặt như shut-down (tắt máy); hibernate (chế độ ngủ đông); sleep (chế độ ngủ); turn-off display (tắt màn hình), hoặc không có chế độ gì cả.
- Close Lid (đóng màn hình máy tính): tương tự như power button. Bạn có thể chọn các chế độ ngủ đông; ngủ tạm thời; tắt màn hình hoặc không có chế độ nào khi gập màn hình laptop.
- Turn-off display (tắt màn hình): cài đặt nguồn cho phép bạn chọn thời gian bao lâu để máy không hoạt động hoặc tắt màn hình.
- Sleep-Mode (chế độ ngủ): tùy chọn này thể hiện khoảng thời gian mà máy tính chuyển sang chế độ ngủ. Ngoài ra, bạn có thể định cấu hình cài đặt riêng khi máy tính sử dụng pin hoặc cắm phích trực tiếp.
Ngoài các cài đặt nguồn và chế độ ngủ này. Bạn còn có thể thêm chế độ đã được cài đặt sẵn trên hệ thống như balanced hoặc power-saver.